Cấu trúc quyền lực Quốc_hội_Vương_quốc_Liên_hiệp_Anh_và_Bắc_Ireland

Cấu trúc Quốc hội gồm có ba thành phần: Vương quyền, Viện Quý tộc, và Viện Thứ dân, hoạt động theo nguyên tắc phân lập; không ai có thể là thành viên của hai trong ba thành phần này. Thành viên Viện Quý tộc không được ứng cử vào Viện Thứ dân; còn theo thông lệ, nhà vua không được bỏ phiếu mặc dù chưa có luật nào cấm đoán việc này.

Trên lý thuyết, nhà vua vẫn còn quyền lực, vẫn cần có sự phê chuẩn của hoàng gia để dự luật trở thành luật. Trong số các đặc quyền của nhà vua có quyền giải tán quốc hội, ký hiệp ước, tuyên chiến, và ban tước quý tộc.

Trong thực tế, nhà vua chỉ là thực thi những quyền này theo đề nghị của thủ tướng hoặc các bộ trưởng chính phủ. Nhà vua bổ nhiệm thủ tướng để thành lập chính phủ gồm các bộ trưởng là những người được chọn từ lưỡng viện Quốc hội. Thủ tướng là người lãnh đạo khối đa số trong Viện Thứ dân.

Hầu hết thành viên Viện Quý tộc đều được bổ nhiệm: các chức sắc cao cấp của Giáo hội Anh và các nhà quý tộc.

Quốc hội Anh, với London Eye ở đằng xa.

Kể từ khi ban hành các đạo luật về quốc hội trong năm 19111949, quyền lực của Viện Quý tộc bị suy giảm đáng kể so với Viện Thứ dân. Tất cả dự luật, ngoại trừ luật ngân sách, được thảo luận và biểu quyết tại Viện Quý tộc; tuy nhiên, nếu bác bỏ một dự luật, Viện Quý tộc chỉ có thể đình hoãn dự luật này tối đa là hai kỳ họp quốc hội trong năm; sau đó nó sẽ trở thành luật mà không cần có sự chuẩn thuận của Viện Quý tộc. Viện Quý tộc cũng thực thi quyền giám sát qua những cuộc chất vấn các bộ trưởng, và qua những hoạt động của các tiểu ban. Hiện nay, tòa án tối cao chỉ là một ủy ban của Viện Quý tộc, nhưng sắp sửa trở thành một định chế tư pháp độc lập.

Thành viên tâm linh của Viện Quý tộc là các chức sắc của Giáo hội – tổng Giám mục, Giám mục, tu viện trưởng và chức sắc cao cấp. Nhưng khi Henry VIII giải tán các tu viện thì các tu viện trưởng mất ghế trong Quốc hội. Tất cả Giám mục giáo khu tiếp tục có mặt trong Viện Quý tộc cho đến khi Đạo luật Giám mục Manchester năm 1847 và các đạo luật khác ấn định con số 26 thành viên tâm linh. Luôn luôn có ghế đại biểu cho "năm đại giáo khu": Tổng Giám mục Canterbury, Tổng Giám mục York, Giám mục London, Giám mục Durham và Giám mục Winchester. Giám mục các giáo khu, theo thứ tự thâm niên, sẽ chia nhau 21 vị trí còn lại.

Thành viên Thế tục là tất cả các nhà quý tộc. Trước đây là các nhà quý tộc cha truyền con nối. Quyền thành viên Quốc hội không đương nhiên dành cho tất cả các nhà quý tộc. Sau khi Scotland và Anh thống nhất để trở thành Anh trong năm 1707, tất cả quý tộc Anh đều có ghế trong Quốc hội, nhưng chỉ có một số giới hạn các quý tộc Scotland được tuyển chọn vào thiết chế này. Cũng diễn ra tình trạng tương tự khi Ireland sáp nhập với Anh năm 1801, nhưng khi Nam Ireland tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh năm 1922, thì quyền đại diện của giới quý tộc Ireland cũng không còn. Đến năm 1963, tất cả quý tộc Scotland đều là thành viên Quốc hội. Chiếu theo Đạo luật Viện Quý tộc năm 1963, chỉ có các nhà quý tộc trọn đời (nghĩa là không thể kế thừa) đương nhiên là thành viên Viện Quý tộc. Trong số các quý tộc cha truyền con nối, chỉ có 92 người – Bá tước Marshal, Lord Great Chamberlain, và 90 thành viên được bầu – còn có ghế trong Viện.

Người dân bầu đại biểu cho mình tại Quốc hội, hiện có 646 nghị sĩ Viện Thứ dân. Mỗi "Đại biểu Quốc hội" (Member of Parliament – MP) đại diện cho một đơn vị bầu cử theo hệ thống tuyển cử một đại biểu cho một đơn vị bầu cử (First-Past-the-Post). Quyền bầu cử dành cho người 18 tuổi trở lên bao gồm công dân Liên hiệp Vương quốc Anh, công dân Cộng hòa Ireland và các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung đang sinh sống ở nước Anh. Nhiệm kỳ thành viên Viện Thứ dân phụ thuộc vào tuổi thọ của Quốc hội.

Tất cả dự luật đều phải được Viện Thứ dân thông qua mới có thể trở thành luật. Viện Thứ dân có quyền kiểm soát thuế và cung ứng tiền cho chính phủ. Các bộ trưởng (kể cả thủ tướng) phải thường xuyên trả lời các chất vấn của viện, trong khi các ủy ban được giao chức trách điều tra các sự vụ và giám sát mọi hoạt động của chính phủ. Cũng có một cơ chế cho phép các nghị sĩ buộc chính phủ phải quan tâm đến các vấn đề liên quan đến đơn vị bầu cử của mình.